Bài 100: Lễ Thánh Gia - Những cuộc hành hương theo luật Do Thái | Dưới Ánh Sáng Lời Chúa
Tin Mừng Lu-ca 2,41-52
41 Hằng năm, cha mẹ Đức Giê-su trẩy hội đền Giê-ru-sa-lem mừng lễ Vượt Qua. 42 Khi Người được mười hai tuổi, cả gia đình cùng lên đền, như người ta thường làm trong ngày lễ. 43 Xong kỳ lễ, hai ông bà trở về, còn cậu bé Giê-su thì ở lại Giê-ru-sa-lem, mà cha mẹ chẳng hay biết. 44 Ông bà cứ tưởng là cậu về chung với đoàn lữ hành, nên sau một ngày đường, mới đi tìm kiếm giữa đám bà con và người quen thuộc. 45 Không thấy con đâu, hai ông bà trở lại Giê-ru-sa-lem mà tìm.
46 Sau ba ngày, hai ông bà mới tìm thấy con trong Đền Thờ, đang ngồi giữa các thầy dạy, vừa nghe họ, vừa đặt câu hỏi. 47 Ai nghe cậu nói cũng ngạc nhiên về trí thông minh và những lời đối đáp của cậu. 48 Khi thấy con, hai ông bà sửng sốt, và mẹ Người nói với Người : “Con ơi, sao con lại xử với cha mẹ như vậy ? Con thấy không, cha con và mẹ đây đã phải cực lòng tìm con !” 49 Người đáp : “Sao cha mẹ lại tìm con ? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao ?” 50 Nhưng ông bà không hiểu lời Người vừa nói.
51 Sau đó, Người đi xuống cùng với cha mẹ, trở về Na-da-rét và hằng vâng phục các ngài. Riêng mẹ Người thì hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng. 52 Còn Đức Giê-su ngày càng thêm khôn ngoan, thêm cao lớn và thêm ân nghĩa đối với Thiên Chúa và người ta.
Chúa nhật này, Hội Thánh mừng kính Thánh Gia. Tin Mừng Lu-ca thuật lại việc cậu bé Giê-su cùng cha mẹ trẩy hội đền thờ Giê-ru-sa-lem để mừng lễ Vượt Qua, một dịp lễ rất quan trọng theo truyền thống phụng tự Do-thái giáo, mà ngay từ bé, Đức Giê-su đã học sống và tuân theo. Nhân dịp này, chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu đôi chút về các ngày đại lễ của người Do thái.
Trong Cựu Ước, sách Lê-vi 23,1-3 đã nhấn mạnh : “ĐỨC CHÚA phán với ông Mô-sê rằng : ‘Hãy nói với con cái Ít-ra-en và bảo chúng : Các đại lễ của ĐỨC CHÚA là những ngày mà các ngươi phải triệu tập những cuộc họp để thờ phượng Ta. Đây là những đại lễ của Ta...’” như vậy, các ngày đại lễ của Đức Chúa không chỉ là những nghi lễ cử hành trong phụng tự, theo một thể thức thuần túy, nhưng các dịp đại lễ này đánh dấu những cột mốc quan trọng trong hành trình đức tin của dân Ít-ra-en từ thời xa xưa. Sau ngày sa-bát שַׁבַּ֤ת kính ĐỨC CHÚA, tác giả sách Lê-vi 23 đã liệt kê 7 dịp đại lễ : lễ Vượt Qua, lễ Bánh Không Men, lễ Hoa Quả đầu mùa (dâng bó lúa đầu mùa gặt), lễ Tù Và / Kèn (lễ Đầu Năm – Rosh ha-shana), lễ Xá Tội, lễ Các Tuần (Ngũ Tuần), lễ Lều. Trong đó có 3 dịp lễ hành hương gồm : lễ Vượt Qua, lễ Các Tuần và lễ Lều :
1. Lễ Vượt Qua - פֶּ֖סַח - pĕsaḥ là nền tảng của mọi đại lễ mà cộng đồng dân Ít-ra-en phải triệu tập vào thời gian ấn định : “Tháng thứ nhất, ngày mười bốn trong tháng, vào lúc chập tối, là lễ Vượt Qua kính ĐỨC CHÚA…” (Lv 23,3). Lễ này được cử hành hàng năm theo sách Đệ nhị luật 16,1-3 quy định : “Anh em hãy giữ tháng A-víp và mừng lễ Vượt Qua kính ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh em, vì trong tháng A-víp, ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh em, đã đưa anh em ra khỏi Ai-cập ban đêm. Anh em hãy giết chiên dê và bò làm lễ vật Vượt Qua dâng ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh em, ở nơi ĐỨC CHÚA chọn cho Danh Người ngự. Anh em không được ăn bánh có men với lễ vật đó ; trong vòng bảy ngày, anh em sẽ ăn bánh không men –thứ bánh khổ cực, vì anh em đã phải vội vã ra khỏi đất Ai-cập–, để mọi ngày trong đời anh em, anh em nhớ ngày ra khỏi đất Ai-cập”.
Như vậy, trong tám ngày, người Do-thái chỉ ăn bánh không men (matzo) để nhớ lại sự vội vã khi rời khỏi Ai Cập. Hai buổi tối đầu tiên diễn ra nghi lễ trong gia đình với bữa ăn (Seder). Các thức ăn tượng trưng bao gồm rau xanh, rau đắng chấm vào giấm chua hoặc nước muối mặn và vị gia trưởng sẽ dâng lên 4 chén rượu chúc tụng Chúa đã thương giải cứu dân bằng cách đọc nhấn mạnh 4 động từ trong bản văn sách Xh 6, 6-7 : “Ta là ĐỨC CHÚA. Ta sẽ cứu các ngươi khỏi phải làm việc khổ sai cho người Ai-cập, sẽ giải thoát các ngươi khỏi làm nô lệ chúng. Ta sẽ giơ cánh tay, dùng uy quyền mà chuộc các ngươi lại. Ta sẽ nhận các ngươi làm dân riêng của Ta, và đối với các ngươi, Ta sẽ là Thiên Chúa”.
Họ sẽ đọc lại câu chuyện xuất hành, sẽ có 1 thành viên trẻ nhất trong gia đình đặt 4 câu hỏi như sách Đnl 6,10-23 ghi chép : “Mai ngày khi con anh em hỏi anh em rằng : “Vì sao có các thánh ý, thánh chỉ, quyết định mà ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa chúng ta, đã truyền cho quý vị ?” Anh em sẽ trả lời cho con anh em : “Chúng ta xưa làm nô lệ cho Pha-ra-ô bên Ai-cập, nhưng ĐỨC CHÚA đã ra tay uy quyền đưa chúng ta ra khỏi Ai-cập. Trước mắt chúng ta, ĐỨC CHÚA đã thực hiện những điềm thiêng dấu lạ lớn lao và khủng khiếp, phạt Ai-cập, phạt Pha-ra-ô và tất cả triều đình vua ấy. Còn chúng ta, Người đã đưa ra khỏi đó, để dẫn chúng ta vào và ban cho chúng ta đất Người đã thề hứa với cha ông chúng ta”. Cuối cùng cả gia đình sẽ hát các Thánh vịnh 113-118 để ca ngợi vinh quang Chúa (thánh vịnh Hallel). Ngoài nghi lễ trong gia đình, người tín hữu Do-thái sẽ hành hương về đền thờ để cử hành long trọng nghi lễ Vượt Qua : dâng tiến hy lễ và ăn thịt chiên một tuổi, kể lại cho nhau nghe biến cố xuất hành rồi cùng vang ca chúc tụng quyền năng Thiên Chúa bằng thánh ca và thánh vịnh.
Liên kết chặt chẽ với Lễ Vượt Qua là Lễ Bánh Không Men מַצָּה - maṣṣāh, kéo dài bảy ngày. Sách Xuất hành 12,17-27 cho biết : “Các ngươi sẽ giữ tục lệ mừng lễ Bánh Không Men, vì vào chính ngày đó, Ta đã đưa các đạo binh của các ngươi ra khỏi đất Ai-cập. Qua mọi thế hệ, các ngươi phải giữ tục lệ mừng ngày lễ ấy : đó là điều luật vĩnh viễn. Tháng giêng, ngày mười bốn trong tháng, từ buổi chiều, các ngươi sẽ ăn bánh không men, cho đến buổi chiều ngày hai mươi mốt. Trong bảy ngày, không được giữ men trong nhà các ngươi, vì phàm ai ăn bánh có men, người đó sẽ bị khai trừ khỏi cộng đoàn Ít-ra-en... Anh em phải giữ điều đó như điều luật vĩnh viễn cho mình và cho con cháu. Khi được vào đất mà ĐỨC CHÚA ban cho anh em như Người đã phán, anh em sẽ giữ nghi lễ đó. Khi con cháu anh em hỏi anh em : ‘Nghi lễ này có ý nghĩa gì ?’, anh em sẽ trả lời : Đó là lễ tế Vượt Qua mừng ĐỨC CHÚA, Đấng đã vượt qua các nhà của con cái Ít-ra-en tại Ai-cập, khi Người đánh phạt Ai-cập và cho các nhà chúng tôi thoát nạn”.
2. Lễ Các Tuần (Ngũ Tuần) - שָׁבוּעוֹת - Šāvūʿōṯ
Sau lễ Vượt Qua, người ta “phải tính năm mươi ngày cho đến hôm sau ngày sa-bát thứ bảy, và sẽ tiến dâng một lễ phẩm mới lên ĐỨC CHÚA… Chính ngày đó, phải triệu tập dân, phải họp nhau để thờ phượng Chúa ; không ai được làm một công việc nặng nhọc nào. Đó là quy tắc vĩnh viễn cho các thế hệ, tại khắp nơi. Khi gặt lúa trong đất của mình, người ta không được gặt cho tới sát bờ ruộng ; lúa gặt sót thì không được mót, nhưng sẽ bỏ lại cho người nghèo và ngoại kiều” (x. Lv 23, 15-22).
Đó là lễ Các Tuần hay còn gọi là lễ Ngũ Tuần, lễ Dâng của đầu mùa, có gốc gác từ lễ hội nông nghiệp, dịp đầu hè vào mùa gặt lúa miến lần cuối. Sách Xh 23,16 yêu cầu : “Ngươi sẽ giữ tục lệ mừng lễ Mùa gặt, lễ dâng của đầu mùa, do sức lao động ngươi làm ra, do công ngươi gieo cấy ngoài đồng ; rồi ngươi sẽ giữ tục lệ mừng lễ Thu hoạch vào cuối năm, khi ngươi thu hoạch hoa màu ngoài đồng ngươi đã làm ra”. Người Do Thái được dạy mang hoa quả đầu mùa lên Đền Thờ là để diễn tả lòng tri ân về niềm vui mùa gặt, mùa thu hoạch dồi dào Thiên Chúa đã ban cho.
Sách Đnl 16,9-12 còn chỉ dạy : “Anh em sẽ tính bảy tuần : từ khi bắt đầu mang liềm đi gặt lúa, anh em bắt đầu tính bảy tuần. Rồi anh em sẽ mừng lễ Ngũ Tuần kính ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh em, dâng lễ vật tự nguyện, tùy theo phúc lành ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh em, ban cho anh em. Ở nơi ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh em, đã chọn cho Danh Người ngự, anh em sẽ liên hoan trước nhan ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh em, cùng với con trai con gái, tôi tớ nam nữ, với thầy Lê-vi ở trong các thành của anh em, với ngoại kiều và cô nhi quả phụ sống giữa anh em”.
Về sau này, lễ Ngũ Tuần được gọi là ngày lễ ân huệ Tô-ra như sách 2 Sb 15,10-15 còn ghi lại : “Họ tập họp ở Giê-ru-sa-lem vào tháng thứ ba năm thứ mười lăm triều vua A-xa… Họ lấy giao ước mà cam kết rằng sẽ đem hết tâm hồn tìm kiếm ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của cha ông họ. Họ lớn tiếng thề với ĐỨC CHÚA như vậy, rồi hò reo, thổi kèn và rúc tù và inh ỏi. Toàn thể Giu-đa phấn khởi vui mừng về lời thề đó, vì họ đã đem hết cả tâm tình của họ mà thề ; họ hoàn toàn tự nguyện tìm kiếm ĐỨC CHÚA và Người đã cho họ được gặp Người. ĐỨC CHÚA cũng cho họ được tư bề yên ổn”. Tìm kiếm Chúa là tìm kiếm lẽ khôn ngoan, là lo thực hành giáo huấn (Tô-ra) của Người, vì Tô-ra là ân huệ sự sống. Như vậy, người Do-thái cử hành lễ Ngũ Tuần (Šāvūʿōṯ) còn để ghi nhớ việc Thiên Chúa ban ân huệ Tô-ra trên núi Sinai (Xh 20, Đnl 5). Họ muốn bày tỏ niềm hân hoan khi đón nhận Giao ước do chính Chúa khởi xướng, đón nhận Tô-ra của Thiên Chúa cách tự do và luôn đồng thanh cam kết sống Luật Thiên Chúa với lòng tri ân vì được thoát ách nô lệ và đón nhận sự sống dồi dào.
3. Lễ Lều - חַג סֻכּ֛וֹת - ḥaḡ sukkôṯ
Sách Lê-vi 23,34-43 quy định : “Ngày mười lăm tháng bảy là lễ Lều kính ĐỨC CHÚA trong vòng bảy ngày. Ngày đầu tiên, phải họp nhau để thờ phượng Chúa và không được làm một công việc nặng nhọc nào… Ngày mười lăm tháng bảy, khi đã thu hoa lợi ruộng đất, thì phải mở lễ kính ĐỨC CHÚA trong vòng bảy ngày….. Ngày đầu tiên, phải lấy những trái cây đẹp, những tàu lá chà là, những cành cây nhiều lá và cành liễu mọc bên bờ suối, và phải liên hoan trước nhan ĐỨC CHÚA, trong vòng bảy ngày. Phải mừng lễ đó như một lễ kính ĐỨC CHÚA trong vòng bảy ngày mỗi năm : đó là quy tắc vĩnh viễn cho các thế hệ... Trong vòng bảy ngày, ai nấy phải ở trong lều bằng cành cây ; mọi người bản xứ tại Ít-ra-en phải ở trong lều bằng cành cây, để các thế hệ biết rằng Chúa đã cho con cái Ít-ra-en ở trong lều bằng cành cây, khi Chúa đưa chúng ra khỏi đất Ai-cập”.
Người Do-thái giáo đã được dạy tưởng nhớ 40 năm hành trình trong sa mạc, sống tạm bợ trong những túp lều bằng cây nhưng sống trong tình thương bảo bọc của Thiên Chúa. Vì thế, cuối vụ thu hoạch, người dân sẽ dùng một nhánh cây thanh yên, một nhánh cây cọ, ba nhánh sim và hai nhánh liễu để vẫy mừng (x. Lv 23,40). Vào thời Đền thờ thứ hai, lễ Lều Sukkot là “lễ hội” tuyệt vời nhất : niềm vui mừng với ánh sáng chiếu rộng khắp nơi thu hút mọi người từ các thành phố và nông thôn đến Giê-ru-sa-lem và mỗi người ý thức tận hưởng niềm vui Chúa ban.
Lễ Lều được đề cập trong Tin Mừng Thánh Gio-an 7,1-18 như sau : “Đức Giê-su thường đi lại trong miền Ga-li-lê.… Người không muốn đi lại trong miền Giu-đê, vì người Do-thái tìm giết Người. Lễ Lều của người Do-thái gần tới, anh em Đức Giê-su nói với Người : “Ông bỏ đây mà sang miền Giu-đê đi, để cả môn đệ của ông cũng được nhìn thấy những việc ông làm, vì không ai muốn nổi danh mà lại hoạt động âm thầm cả. Nếu ông làm những việc ấy, thì hãy tỏ mình ra cho thiên hạ biết”.
Đức Giê-su liền nói với họ : “Thời của tôi chưa đến, nhưng thời của các anh lúc nào cũng thuận tiện. Thế gian không thể ghét các anh, nhưng tôi thì nó ghét, vì tôi làm chứng rằng các việc nó làm thì xấu xa. Các anh cứ lên dự lễ đi ; còn tôi, tôi không lên dự lễ này, vì thời của tôi chưa chín muồi.” Nói thế rồi, Người ở lại miền Ga-li-lê. Tuy nhiên, khi anh em Người đã lên dự lễ, thì chính Người cũng lên, nhưng không công khai và hầu như bí mật. Người Do-thái tìm kiếm Người trong dịp lễ và nói : “Ông ấy đâu rồi ?” Dân chúng bàn tán nhiều về Người. Kẻ thì bảo : “Đó là một người tốt.” Kẻ thì nói : “Không, ông ta mê hoặc dân chúng.” Nhưng không ai dám công khai nói về Người, vì sợ người Do-thái. Vào giữa kỳ lễ, Đức Giê-su lên Đền Thờ và giảng dạy. Người Do-thái lấy làm ngạc nhiên. Họ nói : “Ông này không học hành gì, mà sao lại thông thạo chữ nghĩa thế !” Đức Giê-su trả lời : “Đạo lý tôi dạy không phải là của tôi, nhưng là của Đấng đã sai tôi. Ai muốn làm theo ý của Người, thì sẽ biết rằng đạo lý ấy là bởi Thiên Chúa…. Ai tự mình giảng dạy, thì tìm vinh quang cho chính mình. Còn ai tìm vinh quang cho Đấng đã sai mình, thì là người chân thật, và nơi người ấy không có gì là bất chính”.
Ngoài ba dịp lễ hành hương trên, chúng ta biết người Do thái giáo còn có các đại lễ khác như lễ Xá Tội - כִּפֻּרִ֣ים יוֹם - yôm kippūrîm, lễ Hoa Quả đầu mùa בִּכּוּרֵ֣י קָצִיר – qāsîr bikkûrê, lễ Tù Và תְּרוּעָ֖ה- tǝrûʿāʰ.
Trong số này, lễ Xá tội là đỉnh cao của phụng tự Do thái giáo đã được quy định trong sách Lê-vi 23,27-33 : “Ngoài ra, ngày mồng mười tháng bảy là ngày Xá tội, các ngươi phải họp nhau để thờ phượng Ta, phải ăn chay hãm mình và tiến dâng một lễ hòa tế lên ĐỨC CHÚA. Chính ngày ấy, các ngươi không được làm một công việc nặng nhọc nào, vì đó là ngày Xá tội, ngày cử hành lễ xá tội cho các ngươi trước nhan ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của các ngươi”. Mỗi khi khai mạc nghi thức thánh hóa (Qiddush), sẽ có lời cầu nguyện tuyên tín Chúa Sáng tạo và Chúa Cứu thoát theo truyền thống Do-thái giáo.
Tin Mừng Lu-ca hôm nay đã thuật lại việc Đức Giê-su ở lại Giê-ru-sa-lem sau dịp lễ Vượt Qua “mà cha mẹ chẳng hay biết, đến khi không thấy con đâu, hai ông bà trở lại Giê-ru-sa-lem mà tìm”, và “sau ba ngày, hai ông bà mới tìm thấy con trong Đền Thờ, đang ngồi giữa các thầy dạy, vừa nghe họ, vừa đặt câu hỏi. Ai nghe cậu nói cũng ngạc nhiên về trí thông minh và những lời đối đáp của cậu”. Chắc hẳn cậu bé Giê-su đã được cha mẹ dạy dỗ để hiểu biết và thi hành giáo huấn (Tô-ra) của Thiên Chúa thì mới có thể đối đáp như thế. Khi thấy cậu bé Giê-su ngồi giữa các kinh sư, cha mẹ đã sửng sốt thắc mắc, và theo Lu-ca, đây là lần đầu tiên cậu bé Giê-su đã tỏ lộ căn tính và sứ mạng khi đáp lời rằng “Sao cha mẹ lại tìm con ? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao ?” Cho đến khi trưởng thành, thì Tin Mừng thánh Gio-an 7 kể lại, Đức Giê-su đã lên Đền Thờ giảng dạy và khẳng định trước mặt mọi người “Đạo lý tôi dạy không phải là của tôi, nhưng là của Đấng đã sai tôi. Ai muốn làm theo ý của Người, thì sẽ biết rằng đạo lý ấy là bởi Thiên Chúa”.
Đức Giê-su là Thiên Chúa nhập thể làm người. Và trong xác phàm ở giữa thế gian, Đức Giê-su đã hoàn toàn tuân phục Thiên Chúa Cha mà sống giáo huấn Tô-ra và vâng phục loài người mà trung thành với các truyền thống cha ông để lại. Tuy nhiên, nơi Đức Giê-su, chúng ta dễ dàng nhận ra phong cách hết sức tự do để sống và dạy dỗ Tô-ra cho dân chúng, giúp họ nhận biết rằng giáo huấn của Thiên Chúa không phải là một số điều khoản luật lệ phải nói, phải gồng mình tuân thủ, nhưng là những Lời mang lại sự sống đích thực. Chính Đức Giê-su là Lời Thiên Chúa như thánh Gio-an đã tuyên tín : “Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời. Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa, và Ngôi Lời là Thiên Chúa. Lúc khởi đầu, Người vẫn hướng về Thiên Chúa. Nhờ Ngôi Lời, vạn vật được tạo thành, và không có Người, thì chẳng có gì được tạo thành. Điều đã được tạo thành ở nơi Người là sự sống, và sự sống là ánh sáng cho nhân loại” (Ga 1,1-4).
Để kết thúc, kính mời quý Ông Bà Anh Chị Em hiệp thông trong lời kinh chúc tụng (Qiddush) theo truyền thống Do-thái giáo vào các dịp đại lễ như sau :
Chúc tụng Chúa là Thiên Chúa chúng con, Vua Cả trời đất, Đấng tạo dựng đất vườn sinh trái nho và hoa quả.
Chúc tụng Chúa là Thiên Chúa chúng con, Vua Cả trời đất, Đấng đã tuyển chọn chúng con giữa các dân tộc, đã nâng chúng con vượt trên muôn dân nước và thánh hiến chúng con bằng các mệnh lệnh của Ngài.
Trong tình yêu dành cho chúng con, Ngài đã ban tặng cho chúng con ngày sa-bát để nghỉ ngơi và các dịp lễ để mừng vui, những thời khắc thánh thiêng trang trọng để hoan hỷ ; lễ Vượt Qua, lễ Bánh Không Men đánh dấu cuộc giải thoát kỳ diệu ; lễ Các Tuần để ghi nhớ ân huệ Tô-ra, lễ Lều là thời khắc của hoan lạc. Và chính nhờ tình yêu của Ngài, chúng con được mời gọi nên thánh, biết tưởng nhớ ngày chúng con được Ngài cứu thoát khỏi cảnh nô lệ đất Ai-cập để sống tự do.
Chính Ngài đã tuyển chọn chúng con, thánh hoá chúng con giữa muôn dân nước.
Chính Ngài đã ban tặng chúng con ngày sa-bát và các dịp đại lễ như phần gia nghiệp mang lại niềm vui hoan hỷ.
Xin chúc tụng Ngài đã thánh hoá ngày sa-bát, thánh hoá Ít-ra-en dân Ngài cùng những thời khắc thánh thiêng cao quý.
(trích dịch từ Les Fêtes Juives-Cahiers Evangile số 86, trang 15).
bài liên quan mới nhất
- Bài 103: Tiệc cưới Ca-na - Đôi điều thắc mắc | Dưới Ánh Sáng Lời Chúa
-
Bài 102: Sao Đức Giê-Su Lại Chịu Phép Rửa?| Dưới Ánh Sáng Lời Chúa -
Bài 101: Ba Vua, các Đạo Sĩ hay các Nhà Chiêm Tinh? | Dưới Ánh Sáng Lời Chúa -
Bài 99: Những cuộc Truyền Tin trong Kinh Thánh | Dưới Ánh Sáng Lời Chúa -
Bài 98: Niềm trông đợi Đấng Me-si-a thời Đức Giêsu | Dưới Ánh Sáng Lời Chúa -
Bài 97: Bối cảnh Do Thái thời Gioan Tẩy Giả | Dưới Ánh Sáng Lời Chúa -
Bài 96: Cánh Chung luận theo Tin Mừng Luca | Dưới Ánh Sáng Lời Chúa -
Bài 95: Ông là Vua sao? | Dưới Ánh Sáng Lời Chúa -
Bài 94: Các chứng nhân tử đạo | Dưới Ánh Sáng Lời Chúa -
Bài 93: Hình ảnh "bà góa" trong Kinh Thánh | Dưới ánh sáng Lời Chúa
bài liên quan đọc nhiều
- Bài 13: Chúa Thánh Thần qua các tước hiệu trong Kinh Thánh
-
Bài 32: Giờ thứ ba, giờ thứ sáu,... Giờ thứ mười một thời khắc trong Kinh Thánh -
Bài 14: Chúa Giêsu được ĐƯA LÊN trời -
Bài 12: Cái Biết Theo Kinh Thánh I Dưới ánh sáng Lời Chúa -
Bài 42: Tỉnh thức hay Canh thức theo Kinh Thánh -
Bài 10: Sự kiện “hiện ra” trong trình thuật Kinh Thánh I Dưới ánh sáng Lời Chúa -
Bài 62: Chứng từ Đức Kitô Phục Sinh / Dưới Ánh Sáng Lời Chúa -
Bài 20: Kiểu nói “Yêu, Ghét” trong Kinh Thánh -
Bài 64: Thiên Sai Luận Mục Tử / Dưới Ánh Sáng Lời Chúa -
Bài 66: Ở Lại Trong Tình Thương Của Thầy/ Dưới Ánh Sáng Lời Chúa